- Chi cục trưởng Chi cục THADS nghiên cứu, rà soát bản án, quyết định có nội dung tuyên trả lại tài sản cho đương sự, trả lại tiền tạm ứng án phí; ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự.
- Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.
- Nếu đương sự không đến nhận tiền, tài sản thì xử lý như sau:
+ Đối với tiền, tài sản:
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự.
Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật THADS và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự.
Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định tiêu huỷ và tổ chức tiêu huỷ tài sản theo quy định tại Điều 125 của Luật THADS.
Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
+ Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự:
Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định.
- Nếu đương sự từ chối nhận tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được:
+ Trường hợp tiền bị hư hỏng không còn sử dụng được do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan THADS trong quá trình bảo quản thì cơ quan THADS đề nghị Ngân hàng nhà nước đổi tiền mới có giá trị tương đương để trả cho đương sự.
+ Trường hợp tiền bị hư hỏng không còn sử dụng được không do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan THADS thì cơ quan THADS giao cho Ngân hàng nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.